Rate this post


Vừa rồi, anh Huy có nhắc đến sử dụng logic khi viết bài thơ này, anh có thể chia sẻ rõ hơn về hướng tiếp cận này không?

Đã có rất nhiều tác giả viết về Hà Nội, do đó, khi mọi người cảm nhận về Hà Nội, ngoài việc cảm nhận bằng các giác quan (tự thân), đôi khi, chúng ta còn bị ảnh hưởng, buồn vui, theo tâm trạng của rất nhiều tác giả này, tìm thấy sự đồng điệu trong đó, lậm vào nó. Ví dụ như hồi bé lớp 7, lớp 8, mình cũng hay nghĩ về vai trò quan trọng của hoa sữa với Hà Nội, nhưng thực ra lớn lên nghĩ lại mới thấy có gì không phải, lần mình thực sự nhìn thấy và cảm nhận trọn vẹn về bông hoa sữa là phải mãi sau này khi mình đã lớn lắm rồi… Nhìn chung Hà Nội có luôn có hai phần: Hà Nội của sự thực (được cảm nhận tự thân bởi chính chúng ta) và Hà Nội của… huyễn tưởng.

Hình thành bản năng “sáng tác” – hệ quả của việc tiêu thụ đầy hứng thú với văn học mạng trên các blog Yahoo360 hồi cấp 2, cậu sinh viên là mình khi đó tận dụng một số “quy chuẩn” là khi nhắc về mùa thu Hà Nội thì cần phải có các yếu tố đặc trưng như nắng thuỷ tinh, gió heo may… Để có một sự bất ngờ cho độc giả, mình để cho nữ chính trong bài thơ đi tìm nắng thủy tinh và “bỏ vào miền ký ức”.

Nghĩ lại thì chả biết thế có gọi là làm thơ đúng nghĩa không nữa (cười).

Anh có thấy cách anh làm một bài thơ giống hành trình của một marketer đi giải brief không?

Mình cũng có tạm nghĩ thế là giống Marketing hơn đấy. Có vẻ là sự kết hợp với khoảng 65% là marketer và 35% là “nghệ sĩ”, mình mượn những yếu tố rung cảm cũng khá tự nhiên vốn có chủ đích, đặt mình vào vị trí một cô gái, và tìm cơ hội ở một số phương án diễn đạt khá phù hợp với những độc giả có sẵn một số các huyễn tưởng với Hà Nội.

Ồ mà 65 với 35 cái gì. Cũng khó nói rạch ròi nhỉ. Độ này mọi người hay nói là trong mỗi chúng ta đều có phần tính cách nữ, vẫn có những xúc động, rung cảm nhất định. Chắc là điều đó cũng hợp lí, và mình đã tận dụng được yếu tố nhạy cảm tự thân đó trong bài thơ?

Chắc chắn là không thể nói chuyện về giá trị nghệ thuật gì cả. Mình đọc thì thấy bài thơ cũng dễ thương và việc trải nghiệm “sáng tác” này (lưu ý là đặt trong ngoặc kép nhé) cũng thú vị.

Anh Huy có bao giờ tự định danh bản thân mình ở một giai đoạn cụ thể đang thiên về marketer hơn hay nghệ thuật hơn hay không?

Mình nghĩ mình là người rất bị ảnh hưởng bởi truyền thông, hồi thiếu niên của mình chủ đề báo đài nói rất nhiều với giới tuổi teen khi đó đó: nghĩ về thương hiệu cá nhân của bạn. Mình cũng thích câu hỏi: “Chúng ta là gì?” (một dòng chữ rất thú vị trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng). 

Tuy nhiên trung thực thì hiện trang đang diễn ra với mình theo dòng thời gian là thế này: hồi cấp 2 cấp 3 rất muốn định danh, sau càng về “già” thì lại thấy việc này rất khó, mình chuyển sang khám phá bản thân nhiều hơn và thấy nó quan trọng hơn việc định danh.

Chắc việc định danh sẽ quan trọng hơn trong tình huống khi ta phải đi ‘sales’ bản thân với người khác, còn chúng ta thì cũng… bí ẩn và biến đổi liên tục và ngôn từ thì hữu hạn.

Độ này có một quan điểm cũng hay, kiểu như là ‘người LGBTQ+ không nhất thiết là phải đi “come out”’.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *